Thay vì gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi, tôi dùng toàn bộ tiền dành dụm sau mấy năm đi làm để mua đất và lời hàng tỷ đồng.
Tôi năm nay 28 tuổi, vẫn còn độc thân. Trong 6 năm đi làm từ lúc ra trường, từ đôi bàn tay trắng tôi đã có được hai bất động sản trị giá lần lượt khoảng 1.8 và 1.3 tỷ đồng. Tôi cũng hỗ trợ gia đình được khoảng 400 triệu đồng. Nếu với tư duy gửi tiết kiệm ngân hàng, tôi tin chắc là đến hiện tại mình sẽ không thể có được số tài sản đó.
Cách của tôi là đầu tư vào nhà đất. Bất động sản đầu tiên tôi mua là từ tiền tích góp sau ba năm đi làm (lúc đó đất còn rẻ). Sau khi có sổ cho miếng đất thứ nhất, tôi vay thế chấp, lấy tiền mua tiếp bất động sản thứ hai. Hiện tại, tôi đang dự định vay tiếp để mua bất động sản thứ ba sau khi trả hết nợ còn lại.
Theo kinh nghiệm của tôi, tiền gửi ngân hàng là đồng tiền trượt giá, không thể giúp gia tăng tài sản được. Thay vào đó, bạn có thể vay ngân hàng với hình thức trả góp hàng tháng, số tiền vay nếu nhiều thì chia nhỏ ra mua hai, ba miếng đất ở vùng ngoại ô, chỉ cần sau vài ba năm, bạn bán một miếng đát cũng dư tiền trả nợ ngân hàng. Tại sao phải chia nhỏ ra mua? Vì sẽ giảm thiểu rủi ro, khi cần tiền xoay xở việc khác, bạn vẫn có thể bán đi một miếng đất.
Trước đây, tôi cũng từng đặt ra bài toán lãi suất kép khi gửi ngân hàng. Nhưng theo tôi, các làm này không thật tối ưu bằng việc dùng số tiền tích góp được, cộng thêm khoản vay thêm ngân hàng, rồi chia nhỏ ra đầu tư bất động sản. Số tiền lời thu được sau vài năm chắc chắn nhanh hơn gửi tiết kiệm. Phương án gửi tiền ngân hàng lấy lãi giờ chỉ phù hợp người lớn tuổi hoặc về hưu thôi chứ không thể giúp bạn làm giàu.
Thực ra, bạn cũng không nhất thiết phải mua bất động sản gần trung tâm thành phố, mà có thể mua ra xa hơn cũng rất ổn. Như tôi mua đất ở thanh hoá với số tiền dành dụm từ khi đi làm (năm 2019) với giá 290 triệu. Đến nay, miếng đất đó đã tăng giá khoảng một tỷ đồng rồi. Đồng thời, tôi tận dụng chính miếng đất đó để vay ngân hàng mua thêm miếng thứ hai. Khoảng hai tháng nữa tôi sẽ trả hết nợ cũ rồi, tiếp tục vay và tìm thêm miếng nữa để đầu tư, cứ tùy theo túi tiền mà mua. Người ta có câu: “nghèo thì gửi tiết kiệm, còn giàu thì vay nợ” là như vậy.
lượt xem: 51